VỀ NGUỒN 2023: CHUYẾN ĐI CỦA LÒNG BIẾT ƠN

Thứ năm, 08 Tháng 6, 2023 | Cập nhật bởi : Ban Truyền Thông Mai Linh | Danh mục : Tin tức

Trong cuộc sống, lòng biết ơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự hoàn thiện và phát triển nhân cách của con người. Lòng biết ơn là sự ghi nhớ và trân trọng những giá trị mà mình nhận được từ người khác hay với những thành quả lao động do cha ông để lại. Lòng biết ơn được biểu hiện trong suy nghĩ và hành động. Đó là suy nghĩ, thái độ trân trọng, kính mến; là hành động trả ơn, báo đáp công ơn của bản thân với những người có ơn với mình. Lòng biết ơn là nghĩa cử, truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ bao đời nay, là một tình cảm cao đẹp và thiêng liêng của mỗi con người.

 

Chính vì lẽ đó, vào những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh đã tổ chức chuyến đi về nguồn 4 ngày (30/1-02/02) thăm các di tích văn hóa, lịch sử: Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Thăng Long tứ trấn (Đền Bạch Mã, Đền Voi Phục, Đền Kim Liên và Đền Quán Thánh), Núi Tản Viên (Thánh Tản Viên, Đền Mẫu Tản Viên), Phủ Dầy (Nam Định), Núi Nưa (Thanh Hóa), Nhà thờ Đức Nguyên Tổ Trạng Nguyên Hồ Hưng Dật và Nhà thờ họ Hà thờ bà Hà Thị Hy - bà nội Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu lăng mộ bà thân mẫu Bác Hồ, Làng Hoàng Trù, Làng Sen quê Bác (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An). 

Về nguồn là một truyền thống tốt đẹp trong quá trình hình thành và phát triển Mai Linh; là nét đẹp văn hóa “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn” được khởi xướng bởi ông Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh. Đây là dịp để mỗi cán bộ nhân viên được chạm vào những giá trị của lịch sử, tổ tiên, hấp thu những tinh hoa văn hóa cội nguồn và chuyển hóa thành năng lượng tích cực cho công việc, gia đình và bản thân. 

Hiểu biết về các giá trị lịch sử của dân tộc

Điểm đến đầu tiên của chuyến đi là Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Tương truyền, Bà Chúa Kho là người phụ nữ quê làng Quả Cảm, nhan sắc tuyệt trần, lại khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng Quốc gia trong và sau chiến thắng Như Nguyệt (1076) do Lý Thường Kiệt lãnh đạo. Bà còn có công chiêu dân, lập ấp ở vùng Quả Cảm, Cô Mễ, Thượng Ðồng, giúp người dân khai khẩn đất đai nông nghiệp. Sau này Bà trở thành Hoàng hậu dưới triều Lý, giúp nhà vua trong việc kinh bang đất nước, giữ gìn kho lương. Bà bị giặc sát hại trong lúc phát lương giúp đỡ dân làng. Cảm kích tấm lòng bao dung của Bà, nhà vua đã phong Bà là Phúc Thần. Nhân dân Cô Mễ nhớ ơn và lập Đền Bà Chúa Kho tại vị trí kho lương cũ trên Núi Kho.

Rời Bắc Ninh, đoàn đến thăm Thăng Long Tứ Trần (Hà Nội), gồm: Đền Bạch Mã, Đền Voi Phục, Đền Kim Liên và Đền Quán Thánh. Đây là 4 ngôi đền thiêng được dựng lên để thờ 4 vị thần trấn giữ những vị trí huyết mạch của mảnh đất Thăng Long. Thời xưa, những ngôi đền này thường được nhà vua đến dâng hương vào dịp đầu năm. Đến ngày nay, truyền thống đó vẫn được người dân thủ đô tiếp nối. Mỗi ngôi đền lại mang ý nghĩa và những nét đặc trưng riêng.

Đền Bạch Mã 

Được xây dựng từ năm 866, nằm trong khu phố cổ ở địa chỉ số 76 Hàng Buồm, Đền Bạch Mã là một ngôi đền cổ kính, linh thiêng bậc nhất ở Hà Nội. Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, vị thần trấn giữ hướng Đông của Kinh thành Thăng Long và từng được dân chúng thời xưa vô cùng kính phục và tôn sùng. 

Đền Voi Phục

Đền Voi Phục nằm bên hồ Thủ Lệ, nép mình giữa những tán cổ thụ lớn xanh mát. Được xây dựng vào năm 1065 dưới thời nhà Lý và trấn giữ phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Đền Voi Phục thờ thần Linh Lang - Hoàng tử thứ 4 của vua Lý Thánh Tông và cung phi thứ 9 đã có công đánh giặc giữ nước.

Đền Kim Liên

Được xây dựng vào thế kỷ 16-17, Đền Kim Liên là ngôi đền trấn giữ bảo vệ kinh thành ở phía Nam, thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Đền Kim Liên đã được sửa chữa, tu tạo lại. Sau này đền được bổ sung thêm cổng tam quan và các kiến trúc mới tạo nên Đình Kim Liên. Các công trình trong đền được trang trí với các hoạ tiết và hoa văn công phu, sinh động mang đậm phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Ngoài ra, đền còn lưu giữ những tấm bia đá mang nhiều giá trị lịch sử đặc sắc.

Đền Quán Thánh

Trấn giữ phía Bắc của kinh thành là Đền Quán Thánh (hay còn được gọi là Đền Trấn Vũ). Đền Quán Thánh nằm ngay ngã tư đường Quán Thánh với đường Thanh Niên, đối diện Hồ Tây mát mẻ quanh năm. Ngôi đền này thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần đã có công trừ tà diệt quái.

Ngày thứ Hai, đoàn đến núi Tản Viên - núi Ba Vì. Đây là một trong những ngọn núi cổ nhất của nước ta. Núi Ba Vì là nơi ngự trị của Đức Thánh Tản Viên, được biết đến rộng rãi trong tín ngưỡng truyền thống bởi truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Sơn Tinh là vị thần đứng đầu Từ bất tử, được gọi là Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên. Đây là vị thần mang theo ngưỡng kính và niềm tin bất diệt của con dân đất Việt qua hàng nghìn năm lịch sử, đại diện cho linh hồn và sức mạnh của dân tộc. 

Trong tín ngưỡng tâm linh dân gian, Việt Nam có Tam Tổ: Địa Tổ, Thủy Tổ và Sơn Tổ. Sơn Tổ là núi Ba Vì, ở Sơn Tổ có một ngôi đền thờ Sơn Tinh gọi là Đền Thượng.           

Bỏ lại đằng sau núi Ba Vì, đoàn đến Phủ Dầy nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh dâng hương.    

Tối cùng ngày, đoàn đến Núi Nưa (Thanh Hóa). Nơi đây không chỉ được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh chống quân xâm lược phương Bắc mà còn được xem là một trong những nơi có huyệt đạo linh thiêng bậc nhất nước ta. 

Theo sử sách, năm 248, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng anh trai Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực trong vùng, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược. Cuộc khởi nghĩa sau đó tuy thất bại, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) nhưng câu nói của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” nhiều đời sau vẫn còn lưu truyền mãi.

Ngày thứ Ba trong chuyến hành trình Về nguồn, đoàn đến thăm nhà Thờ Đức Nguyên Tổ Trạng Nguyên Hồ Hưng Dật (Ngọc Sơn, Quỳnh Lưu, Nghệ An), nguyên tổ họ Hồ Việt Nam. Khi Đinh Bộ Lĩnh dấy quân dẹp loạn 12 sứ quân, vua Đinh đã gặp ông để tham vấn ý kiến. Ông có góp ý với vua về kế hoạch dẹp loạn 12 sứ quân. Khi vua lên ngôi, vua Đinh Tiên Hoàng đã sắc phong ông trấn thủ Hoan Châu.

Ông Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Họ Hồ Việt Nam và CBNV Tập đoàn Mai Linh đã viếng thăm Nhà thờ Đức Nguyên tổ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật.

Rời Quỳnh Lưu (Nghệ An), đoàn đến thăm khu Lăng mộ thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nam Đàn (Nghệ An). Tại đây, với tất cả lòng thành kính, lãnh đạo và cán bộ nhân viên Tập đoàn Mai Linh đã dâng hương, viếng mộ bà Hoàng Thị Loan, người mẹ vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901), là thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà được sinh ra trong một gia đình vốn có truyền thống Nho học ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cả hai gia đình nội, ngoại của bà đều giàu lòng thương người, trọng nghĩa khí, có cách nhìn tân tiến trong cuộc sống, vượt ra ngoài sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến đương thời. 

Cuối năm 1883, bà kết hôn với ông Nguyễn Sinh Sắc khi vừa tròn 15 xuân sắc. Sau khi lấy chồng, bà Loan không quản ngại cuộc sống vất vả, khó khăn về vật chất để chồng có điều kiện dùi mài kinh sử, nâng tầm tài năng. Bà thân sinh được 4 người con là: Nguyễn Thị Thanh (1884 – 1954), Nguyễn Sinh Khiêm (1888 - 1950), Nguyễn Sinh Cung (1890 - 1969) và Nguyễn Sinh Nhuận (1900 - 1901). Cuộc sống gia đình bà tuy khó khăn nhưng tất cả mọi người đều yêu thương và hết lòng vì nhau.

Nhờ có bà động viên, khuyến khích nên dù cuộc sống nghèo khó, khốn khổ ông Nguyễn Sinh Sắc vẫn gắng lòng cho sự nghiệp học hành và đã đỗ đạt thành danh. Đỉnh điểm cho cuộc sống cơ cực của gia đình bà là từ sau khi ông Nguyễn Sinh Sắc lên Huế tu học. Vì túng thiếu tiền bạc, bản thân ông không thể tự lo cho mình được, nên ông đành ngỏ ý mời bà lên kinh để giúp ông một phần.

Không muốn chồng mình phải dang dở học tập chỉ vì miếng cơm manh áo, bà đã gửi con gái cả ở Nghệ An và cùng chồng vào Huế. Ở đây bà làm đủ mọi nghề, lao động cật lực từ công việc truyền thống là dệt vải đến nhiều công việc chân tay khổ cực khác. Bà đã hy sinh tất cả cuộc đời cho chồng, cho con, chính bà đã vun đắp làm nên cuộc đời và sự nghiệp cao cả của họ.

Học Bác đức tính giản dị
Chiều cùng ngày, 160 thành viên Tập đoàn Mai Linh đã đến với Khu Di tích Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Làng Sen quê nội và làng Hoàng Trù quê ngoại vẫn lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị thuở thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ai cũng lắng đọng khi đứng trước khung cảnh nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác. Trong căn nhà giản dị còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như 2 bộ phản gỗ, chiếc giường, rương đựng lương thực…

Lắng nghe những lời kể truyền cảm của hướng dẫn viên về cuộc đời của Bác, được tận mắt chứng kiến khung cảnh đơn sơ, giản dị nơi Bác chào đời, về thời thơ ấu của Bác…, ai nấy đều vô cùng xúc động, xen lẫn niềm tự hào, thành kính về một cuộc đời, một nhân cách giản dị mà vĩ đại. 

Nhà thờ Họ Hà
Điểm dừng chân cuối ngày là nhà thờ Họ Hà, tại đây lãnh đạo, cán bộ nhân viên Tập đoàn đã dâng hương, giao lưu và dùng cơm tối thân mật với dòng tộc họ Hà. 

                  

Ngày thứ Tư trong chuyến hành trình về nguồn là chương trình đào tạo tại Thành phố Vinh (Nghệ An). Ông Trương Quang Mẫn, Phó TGĐ Thường trực dẫn chương trình. 

Trong chương trình, lãnh đạo và cán bộ nhân viên của Tập đoàn Mai Linh được lắng nghe những chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về văn hóa doanh nghiệp. Theo GS Lê Doãn Hợp, người đứng đầu doanh nghiệp phải là người tốt để thiết lập kỷ cương. Người quản lý phải dám nghĩ, dám làm, dám nói. Như vậy, doanh nghiệp mới phát triển thành công.

Bên cạnh đó, phần giảng thuyết của Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trình bày về “Lòng biết ơn và sự tử tế” đã thu hút sự chú ý của mọi người. Theo giáo sư Bảo, đạo đức chính là cốt lõi của văn hóa, không có đạo đức  thì không có văn hóa. 

Giáo sư Bảo diễn giải: “Trong văn hóa có 3 bộ phận cấu thành: Một là khoa học, muốn vượt thách thức thì phải có khoa học. Khoa học là thành phần đầu tiên của văn hóa. Thứ hai, là đạo đức, linh hồn của văn hóa. Thứ ba, là nghệ thuật. Giá trị của văn hóa chính là chân, thiện, mỹ. Chân là chân lý; thiện là lòng tốt, sự đạo đức; mỹ là cái đẹp, cái đẹp của nghệ thuật, đẹp của tâm hồn.”               

Sau cùng là phần chia sẻ của ông Phạm Minh Sương - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Vận tải Tập đoàn Mai Linh về giải pháp nâng cao năng lực quản trị bằng công nghệ.

Ông Hồ Huy - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh nhấn mạnh: “Mai Linh là doanh nghiệp có văn hóa. Chương trình đào tạo là cơ hội để mỗi người tĩnh tâm, khắc phục khiếm khuyết và phát huy thế mạnh. Sự đồng lòng của tập thể cán bộ nhân viên Mai Linh sẽ giúp thương hiệu taxi màu xanh cuộc sống ngày càng vươn xa”.     

Chuyến Về nguồn lần này đối với tôi cũng như nhiều cán bộ nhân viên là một vinh dự, tiếp thêm niềm tự hào, giúp các cán bộ nhân viên Tập đoàn Mai Linh thêm niềm tin, thêm quyết tâm xây dựng công ty ngày càng vững mạnh. 

Hành trình Về nguồn là dịp để mỗi chúng ta tìm hiểu các di tích lịch sử, là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, chuyến đi đã giúp mỗi cá nhân ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, tưởng nhớ cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 

Bài học về lòng biết ơn là bài học cơ bản, giúp mỗi người có xu hướng ứng xử tử tế và có văn hóa. Lòng biết ơn tạo cho ta niềm hạnh phúc, tâm trạng lạc quan, vui vẻ. Biết ơn còn đem đến cho ta một nguồn năng lượng dồi dào, giúp ta cảm nhận được những cảm xúc tích cực, cho ta sức mạnh đối phó với nghịch cảnh, cải thiện và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. 

Người có lòng biết ơn luôn trân trọng hiện tại, xem mỗi ngày là một cơ hội mới để đón nhận hạnh phúc. Lời cảm ơn sẽ giúp chúng ta hình thành thói quen biết ơn với mọi người, mọi việc xung quanh. Chúng ta không phải là những người vô ơn, tuy nhiên cuộc sống bận rộn, có đôi lúc vì quá mệt mỏi, chúng ta đã vô tình quên mất thành quả mà người khác đem đến. Kịp thời nhìn lại bản thân, nhận ra thiếu sót của mình để sửa sai, đó là điều mà chúng ta nên làm.

 

      

Với tôi, đây không chỉ là một chuyến đi mà là hành trình khám phá những giá trị sống, sự gắn kết nghĩa tình giữa quá khứ và hiện tại. Đồng thời, chuyến đi này đã cung cấp nhiều thông tin, giá trị về cách sống, tạo cho tôi thêm động lực để vượt thách thức, đón thời cơ, hoàn thành mục tiêu mà Chủ tịch Tập đoàn đề ra trong năm 2023. Hai mục tiêu chính là số hóa doanh nghiệp và tổ chức cơ cấu nhân sự Ban Công nghệ thông tin (CNTT). 

Về số hóa doanh nghiệp, Ban Công nghệ thông tin quyết tâm hoàn thành, triển khai dự án chuyển công nợ ARAP lên Oracle giúp Tập đoàn quản trị công nợ, quản trị nguồn thu tốt từ các hoạt động kinh doanh. Từ đó, công ty có thể giải quyết được các vấn đề kinh doanh. Vấn đề tiếp theo là rà soát, đánh giá các phần mềm hiện có nhằm triển khai phần mềm quản trị trên cùng một hệ thống thống nhất nhằm nâng cao năng lực quản trị của Tập đoàn. 

Bên cạnh đó Ban Công nghệ thông tin sẽ hoàn thiện cơ cấu, tổ chức gồm các phòng: phòng phần mềm, phòng hạ tầng và phòng vận hành. Ban CNTT tổ chức thêm phòng phần mềm để có thể làm chủ các phần mềm được chuyển giao từ đối tác cũng như có thể phát triển thêm các phần mềm đặc thù cho công ty.

Gửi bình luận

Tổng đài taxi toàn quốc 1055