Hoàn thành khóa đào tạo: Rèn ý chí, mài kỹ năng và khơi dậy nhiệt tâm (tiếp theo)

Thứ năm, 21 Tháng 2, 2019 | Cập nhật bởi : Ban Truyền Thông Mai Linh | Danh mục : Tin tức

BÀI HỌC SỐ 2: VỀ VỚI CỘI NGUỒN

“Con người có tổ có tông.

Như cây có cội như sông có nguồn”

Chuyến bay VJ220 đáp xuống sân bay thành phố Vinh lúc 9g30 sáng ngày 15.9. Đoàn Về nguồn trực chỉ đền thờ Nguyên tổ họ Hồ Việt Nam, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu thẳng tiến. Hôm ấy là lễ giỗ tổ họ Hồ, hàng ngàn con cháu khắp cả nước về tham dự lễ giỗ, đông như trẩy hội.

TỪ DẤU ẤN ĐỀN THỜ NGUYÊN TỔ HỌ HỒ VIỆT NAM

Giữa đất trời bao la, ngôi đền nằm tựa lưng vào núi. Và cái tên “Trang Bào Đột” cứ văng vẳng bên tai, như một sự nhắc nhở nơi đây là mảnh đất linh thiêng, chứa đựng trong nó cả một tầng văn hóa, lịch sử.

Trang Bào Đột là tên gọi cổ xưa của vùng đất thuộc xã Quỳnh Lâm và Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu) bây giờ, nơi ông tổ họ Hồ Việt Nam đầu tiên đặt chân đến khai cơ lập ấp. Đền thờ nguyên Tổ họ Hồ hiện nay nằm trên địa phận xã Ngọc Sơn, khởi công tôn tạo khoảng 10 năm, nhưng đã có tới hàng trăm năm lịch sử.



Theo sử sách ghi lại, Đức Nguyên Tổ họ Hồ Việt Nam là Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, thời vua Hậu Hán Ẩn Đế (948 - 951). Hồ Hưng Dật sang làm thái thú Châu Diễn mấy năm thì xảy ra loạn 12 sứ quân, ông đến hương Bào Đột (nay thuộc địa phận 2 xã Ngọc Sơn và Quỳnh Lâm) lập nghiệp. Sau khi thôi quan, ông lui về chiêu dân lập ấp, làm trại chủ tại hương Bào Đột, được nhân dân tôn làm Thần Thành Hoàng, và cũng là nguyên tổ họ Hồ duy nhất ở nước ta.


Đền thờ nằm trên đồi Thượng Đọt, tựa lưng vào hòn Rồng, bên trái là núi Ngọc, bên phải là hòn Rết. Cả 3 hòn này đều nằm trên dãy núi Y Sảo, gọi là thế “long ngai”. Đền làm theo kiểu nội công ngoại quốc, có cửa tam quan, một sân rộng là đến tòa chính điện 5 gian. Sau tòa chính diện là 1 sân nhỏ, 2 bên có tả vu, hữu vu, tòa trung điện 3 gian 2 hồi, hậu cung, sân ngoài góc bên phải có miếu thờ Thái Dương công chúa… Cả một khu đền họ Hồ với quy mô hoành tráng trên vùng địa linh nhân kiệt đã được xây dựng và tồn tại suốt hàng trăm năm.



Về sau, nhân dân trong vùng phối tế 2 vua (vua Hồ Quý Ly và vua Quang Trung), nên thường quen gọi là Đền vua Hồ, nhưng tên gọi chính xác là đền thờ nguyên Tổ họ Hồ. Trang Bào Đột năm xưa, còn có tên Bào Trạch, dần dần đổi thành Bào Giang, rồi làng Ngũ Bàu (vì được chia làm 5 thôn: Ngọc Viên, Bào An, Bào Trung, Bảo Ngọc, và Bào Hậu).

Tương truyền, Hồ Quý Ly lấy Trang Bào Đột là đất khởi tổ, rồi nhân hình thế núi sông, kiến thiết làm Tiểu Tràng An, xây dựng cung phủ kho tàng, kiến thiết tảng gạch, rồng đá, có ngòi nước và đường giao thông. Ông quyết định đào sông Thái kéo dài về phía Tây để nối với sông Hiếu, đưa một phần nước sông Hiếu đổ về. Khi sông đào hoàn thành sẽ là một công trình có ý nghĩa về giao thông, kinh tế, đưa nước về tưới cho vùng đất vốn quanh năm hạn hán này, vừa là hào lũy phía Bắc bảo vệ cho căn cứ địa chiến lược Bàu Đột. Nhưng sức dân không đủ, trong khi đó giặc Minh lại bất ngờ tràn vào, công trình đành bỏ dở.

Trải qua bao thăng trầm thời gian, cả một công trình kiến trúc tâm linh lớn cũng theo đó mà chẳng còn lại vết tích. Những người dân trong vùng kể lại, cho đến trước năm 1971, vẫn còn nền cũ của Đền vua Hồ năm xưa, với những gạch đá vỡ và 2 cột nanh phía trước.


Luyến tiếc một công trình linh thiêng xưa, và cũng từ cái đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, bà con họ Hồ cả nước quyết tâm phục dựng lại đền thờ nguyên Tổ họ Hồ, làm linh từ của dòng họ Hồ Việt Nam trên nền đất cũ. Dù có thể không hoàn thành ngay được cả công trình, cũng là nơi để con cháu hằng năm đi về.



Bắt đầu khởi công từ năm 2006, đến nay, Đền vua Hồ đã xây dựng được cổng, tường bao xung quanh, mái nhà bia, hoàn thành điện chính. Từ đó đến nay, cứ mỗi dịp đầu xuân năm mới, vào ngày 10, 11 tháng Giêng âm lịch, nơi đây lại tổ chức ngày tế Tổ họ Hồ Việt Nam, đón con cháu khắp nơi hướng tâm về cội.

 

TÌM VỀ HỒN THIÊNG SÔNG NÚI
Rời đền Nguyên tổ họ Hồ Việt Nam, Đoàn Về nguồn đến Quảng trường Bác Hồ (thành phố Vinh) để thắp hương và dâng hoa trước tượng đài Bác Hồ, viếng mộ cụ Hồ Sĩ Tạo ở xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương, rồi tìm về Nam Đàn thăm quê Bác, ghé làng Sen, làng Hoàng Trù và viếng mộ thân mẫu bác Hồ, bà Hoàng Thị Loan. Vòng quanh những địa danh này, chúng tôi bất ngờ khi thi thoảng lại nhìn thấy một bảng địa chí ghi lối vào di tích của một danh nhân đất Việt.

 

Rời vùng đất Nghệ An địa linh nhân kiệt, đoàn di chuyển qua dòng sông Nhật Lệ. Mờ sáng ngày 16.2.2019, 245 thành viên chúng tôi dừng chân ghé ngôi nhà tưởng niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một điểm tham quan, mà còn là một bảo tàng quý lưu giữ hiện vật lẫn giá trị tinh thần của một đại tướng của lòng dân. Nhà lưu niệm là căn nhà cấp 4, 3 gian, xây dựng lại trên nền ngôi nhà cổ cả 100 năm tuổi của nhà Đại tướng. Với chất liệu gỗ ở chính quê hương Lệ Thủy, căn nhà như ấm áp và thấm đẫm cái tình hơn, cái tình của quê hương với Đại tướng và cái tình của chính Ông với mảnh đất này. Điều ấy đã thổi hồn cho không gian Nhà lưu niệm, một giá trị đáng trân quý, mà không có gì có thể thay thế hay làm đổi khác và mọi du khách xa gần ngưỡng vọng Ông khi đến thăm đều có thể cảm nhận được. Trong căn nhà đơn sơ, các vật dụng trong nhà cũng rất đơn sơ từ bàn ghế, chiếc giường chiếu cói đến bàn thờ, di ảnh,…đều thể hiện tính cách và tư tưởng sống rất giản dị của Đại tướng. Những hiện vật và hình ảnh này, khiến cho du khách không khỏi bồi hồi xúc động, về một anh hùng quân sự thời chiến và một tấm gương sáng của Đại tướng trong cuộc sống đời thường. Thăm Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi không chỉ nhớ đến Ông, nhớ về tinh thần sống đầy gương mẫu và rất cương nghị của ông, mà cảnh vật ở đây như thêm hun đúc nơi mọi người lòng yêu kính, tấm gương để noi theo về một tinh thần cương trực, một cuộc sống giản dị, một cuộc đời thật khiêm tốn cho đến khắc cuối cùng. 

Chặng đường tiếp theo, chúng tôi đến với Quảng Trị khói lửa, nơi có nghĩa trang Trường Sơn. Đây là nghĩa trang quy tập mộ anh hùng liệt sỹ lớn nhất Việt Nam. Đoàn không quên viếng Thành Cổ Quảng Trị, nơi mà dưới mỗi vạt cỏ xanh đều có máu xương anh hùng, nơi có dòng Thạch Hãn một thời nước xanh chuyển màu thẫm đỏ. Mỗi tấc đất, mỗi khúc sông nơi này đều là nhân chứng của một thời lịch sử oanh liệt oai hùng. 

Trước khi tạm biệt Quảng Trị, đoàn ghé qua nhà tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tại đây, chúng tôi được nghe về cuộc đời cách mạng kiên trung của ông. Các thành viên lần lượt ký tên vào sổ lưu niệm.

Ngày 17.2.2019, chúng tôi về tới đất võ Bình Định. Mờ sáng hôm sau, đoàn tìm về thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn thực hiện nghi lễ dâng hương, hoa trước tượng đài Hoàng Đế Quang Trung. Chúng tôi được xem lại những thước phim phục dựng hai trận thắng oanh liệt của Hoàng Đế Quang Trung. Trong đó một “Xích Bích” trận trên sông Rạch Gầm- Xoài Mút đánh tan tác quân Xiêm và đại thắng thành Thăng Long mùa xuân Mậu Thân 1788. Với chiến tích trăm trận trăm thắng hiển hách lẫy lừng, hoàng đế Quang Trung lên ngôi chủ trương “Đức trị”, lấy an vui trăm họ làm đầu trong chính sách quản lý, trị vì. Hậu thế chúng tôi đứng trước những bảng vàng lưu giữ các quan điểm trị nước của hoàng đế, lòng không khỏi rung rung. Ngoài sa trường mưu lược và dung mãnh bao nhiêu thì đối với con dân, hoàng đế đức độ và yêu thương bấy nhiêu.

Chuyến du hành đầu Xuân đọng lại trong lòng mỗi thành viên chúng tôi thật nhiều cảm xúc. Gọi là một chuyến đi tìm về nguồn cội cũng đúng mà bảo là soạn hành trang bước tới tương lai cũng không sai. Khi biết rõ hơn về quá khứ, lấy thành tựu tinh thần và vật chất của tiền nhân làm bệ đỡ, mỗi bước ta đi về tương lai tin rằng sẽ không còn gập ghềnh chông chênh và trắc trở. Bền bĩ kiên gan mà tiến về phía trước, không hẵn chỉ là mưu cầu lợi ích cho bản thân mà còn vì phồn vinh thịnh vượng cho bá gia trăm họ.

Trước mỗi điện thờ của các anh linh của dân tộc, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT, chủ tịch tập đoàn kiêm Tổng giám đốc hứa nguyện sẽ nỗ lực hết mình chăm lo cho đời sống của 30.000 nhân sự trực thuộc Mai Linh và gia đình của họ. Ông cũng nêu cao trách nhiệm lãnh đạo của bản thân, quyết tâm lèo lái con thuyền Mai Linh bằng sự bền bĩ, kiên gan của người lính bác Hồ, bằng sự mưu lược và dung cảm của một tướng lĩnh, vượt qua tất cả những thách thức, trở ngại để tập thể Mai Linh thật sự đóng góp được vào tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam.

 

 

Gửi bình luận

Tổng đài taxi toàn quốc 1055